Tin Tức & Sự Kiện

Lắp đặt các thiết bị thể thao ngoài trời – mang lại sức khỏe cho người dân

Baothanhhoa.vn) – Hằng ngày vào 5h sáng hoặc 17h chiều, tại các công viên trên địa bàn TP Thanh Hóa như công viên Bố Vệ (phường Đông Vệ), hồ Đồng Chiệc (phường Phú Sơn), công viên Thanh Quảng (phường Ba Đình), công viên Hồ Thành (phường Điện Biên)…, có rất nhiều người dân đến luyện tập thể dục, thể thao. Song, chỗ thu hút đông người rèn luyện sức khỏe nhất là khu lắp đặt các thiết bị thể thao ngoài trời.

Bộ thiết bị thể thao ngoài trời được thể thao Đức Minh lắp đặt trong nhà văn hoá 

Ông Nguyễn Văn Hùng, hơn 70 tuổi ở phường Quảng Thành – nhà cách công viên Bố Vệ khoảng hơn 3 km nhưng đều đặn ngày 2 buổi ông và các bạn hưu trí trong phố đạp xe lên công viên để đi bộ hoặc tập thể dục bằng các thiết bị thể thao ngoài trời. Ông Hùng vui vẻ cho biết “Những năm qua, TP Thanh Hóa đã quan tâm đến việc dành quỹ đất để phát triển công viên cây xanh. Đơn cử như trên địa bàn phường Đông Vệ, dọc khu vực Đại lộ CSEDP, các mặt bằng 2125 giai đoạn 1, giai đoạn 2, khu chung cư Đông Phát có 5 công viên, trong đó công viên Bố Vệ có quy mô 15 ha – sau nhiều năm đến nay đã hoàn thiện đưa vào sử dụng, với nhiều hạng mục thiết yếu, như: sân chơi sinh hoạt cộng đồng, cầu tàu, cầu ngắm cảnh, khu dụng cụ tập thể thao ngoài trời,… Đây là công trình rất có ý nghĩa, giúp cho người dân khu vực phía Nam TP Thanh Hóa có một không gian xanh – sạch – đẹp để nghỉ ngơi, thư giãn, rèn luyện sức khỏe. Trong mỗi công viên, thành phố còn cho lắp đặt các thiết bị tập luyện TDTT ngoài trời, chúng tôi thấy rất thiết thực. Bởi, các dụng cụ được đặt ở công viên rất dễ sử dụng, từ người già đến trẻ vị thành niên đều có thể luyện tập được, chúng tôi thấy cuộc sống có chất lượng hơn”.

Vừa dẫn con gái đi bộ một vòng xung quanh công viên trong mặt bằng 2125 giai đoạn 2, chị Nguyễn Thị Tuấn, phố Thịnh Hùng, phường Quảng Thịnh lại gần chỗ các thiết bị TDTT ngoài trời trong công viên nghỉ ngơi, rồi đợi đến khi có chỗ trống thì lên tập luyện. Chị Tuấn chia sẻ, con gái chị bị ung thư võng mạc từ khi cháu mới 9 tuổi, hơn một năm nay, sau giờ làm việc buổi chiều, chị và chồng cũng thay nhau chở con lên công viên để tập thể dục. Có thời gian rỗi, cả nhà cùng ra công viên để tập thể dục. Con gái chị rất thích tập luyện trên các thiết bị dụng cụ thể dục ngoài trời. Các loại máy tập đi bộ, máy lắc tay, máy xoay eo, xoay lưng, tập chân,… thích hợp với sức khỏe của cháu. Song, quan trọng hơn cả là cháu có không gian thư giãn, vừa tập luyện vừa được trò chuyện, giao lưu với các bạn; khi nào mệt ngồi ngắm các bạn đá bóng, chơi cầu lông, nô đùa trong công viên, giúp cho tinh thần cháu lạc quan hơn. “Không chỉ mình gia đình tôi thường xuyên lui tới công viên mà rất nhiều ông, bà ở khu phố Thịnh Hùng, cầu Quán Nam, cầu Voi, phố Hải Thượng Lãn Ông,… cũng đạp xe lên đây tập thể dục. Có hôm lên muộn không có thiết bị để tập đành phải chở con đi sang bên công viên Bố Vệ nhưng cũng không đủ máy tập, phải ngồi đợi đến lượt. Đáng nói là nhu cầu luyện tập thể dục của người dân nhiều nhưng số lượng các thiết bị có hạn, trong khi đó kẻ gian còn tháo dỡ mất một máy, khiến người dân vô cùng bức xúc” – chị Tuấn nói.

Vừa tập thể dục vừa nghe cuộc trò chuyện của chúng tôi, ông Lê Văn Quý, cán bộ hưu trí phố Trường Sơn, phường Quảng Thịnh, cho biết thêm: Đi thể dục trên các công viên, thấy các thiết bị luyện tập TDTT ngoài trời phát huy hiệu quả nên sinh hoạt chi bộ phố, chúng tôi đề nghị phố kêu gọi nguồn xã hội hóa mua được 5 thiết bị luyện tập thể dục, 2 thiết bị vui chơi cho trẻ, với trị giá gần 50 triệu đồng về lắp ở sân nhà văn hóa phố để bà con luyện tập. Song, người luyện tập thì đông mà thiết bị thì ít nên cánh đàn ông chúng tôi chịu khó đạp xe đi xa lên đây luyện tập, còn ở phố nhường lại cho các bà và trẻ nhỏ. Tôi thấy, từ khi các thiết bị luyện tập được lắp đặt tại sân nhà văn hóa, tinh thần TDTT của bà con khu phố vui nhộn hơn. Chiều chiều các bà vừa tập luyện vừa trò chuyện râm ram cả góc sân, trẻ nhỏ thì đá bóng, đá cầu,…Tối đến thì câu lạc bộ dưỡng sinh tập luyện; bà con phát huy hết công suất của các thiết bị thể thao, ai cũng phấn khởi”.

Từ câu chuyện của người dân, chúng tôi đi một vòng các công viên, không gian đô thị xung quanh TP Thanh Hóa, thấy có rất nhiều nơi lắp đặt các thiết bị TDTT ngoài trời. Nơi ít thì từ 3 đến 5 cái; nơi nhiều thì từ 5 đến 10 cái. Mỗi bộ thiết bị thường bao gồm: tập vai, lắc eo; tập lưng, bụng; xà đơn và xà kép; tập đạp xe; đi bộ trên không; lắc tay, xích đu,… Các dụng cụ tập luyện đều rất thông dụng, đơn giản và thích hợp dành cho mọi đối tượng. Trên các thiết bị này đều ghi rõ chức năng, công dụng và chỉ dẫn chi tiết cách thức tập luyện để người tập luyện tập đúng phương pháp, mang lại hiệu quả cao cho sức khỏe.

Không chỉ ở các công viên mà hiện nay ở các xã, phường, khu phố có khoảng không gian mở, các phố đều kêu gọi bà con đóng góp hoặc huy động các nguồn tài trợ, xã hội hóa để lắp đặt các thiết bị thể thao cho bà con luyện tập, rèn luyện Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, hưởng ứng cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, những năm qua TP Thanh Hóa đã ban hành nhiều văn bản để cụ thể hóa chủ trương, chính sách cho phù hợp với điều kiện thực tế theo từng giai đoạn nhằm chỉ đạo các cấp, ngành liên quan phối hợp, triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả cuộc vận động. Qua đó, phong trào TDTT đã thực sự đi vào đời sống xã hội, lan tỏa khắp các xã, phường, thu hút đông đảo mọi tầng lớp nhân dân ở mọi lứa tuổi, thành phần tham gia tập luyện nâng cao cả về thể chất lẫn tinh thần. Nhất là những năm qua, cơ sở vật chất phục vụ tập luyện TDTT được quan tâm đầu tư mạnh mẽ. Trên địa bàn thành phố có rất nhiều bể bơi, sân quần vợt, sân bóng đá cỏ nhân tạo và cơ sở nhà tập, phòng tập,… Bên cạnh đó, thành phố còn khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, thành phần kinh tế, tư nhân trên địa bàn tham gia công tác xã hội hóa, cùng chung tay, chung sức vì sự nghiệp TDTT như lắp đặt dụng cụ tập luyện TDTT ngoài trời tại các công viên, khu vui chơi công cộng phục vụ nhu cầu tập luyện thường nhật của người dân. Việc làm này nhận được sự đồng tình, ủng hộ rất lớn của người dân, góp phần nâng cao thể lực và tầm vóc, xây dựng lối sống lành mạnh, văn minh trong cộng đồng dân cư.

Để phát huy hơn nữa tinh thần tập luyện thể thao trong toàn dân cũng như bảo vệ các cơ sở, vật chất phục vụ tập luyện TDTT ở các công viên, nơi công cộng, chính quyền các xã, phường – nơi có công viên, không gian công cộng mong muốn mỗi người dân cần thực sự là những “công dân văn minh”, chấp hành tốt quy định khi tham gia các hoạt động tại công viên; kiên quyết lên án, đấu tranh với các hành vi xâm hại đến công viên, vườn hoa, công trình công cộng của những cá nhân thiếu ý thức. Đó là cơ sở để phát huy tốt hơn giá trị sử dụng, công năng của các công viên, vườn hoa, công trình công cộng, thực sự là những “lá phổi xanh”, “không gian văn hóa” của người dân thành phố, góp phần xây dựng TP Thanh Hóa đến năm 2025 trong nhóm đô thị loại I trực thuộc tỉnh hàng đầu cả nước, đến năm 2030 cơ bản trở thành đô thị thông minh, văn minh, hiện đại.

(nguồn: siêu tầm)

Các Bài Khác

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *